CHÍNH TRỊ-KINH TẾ
Lễ đón bằng di tích cấp tỉnh chùa Hưng Khánh
24/05/2023 10:52:24

 Ngày 21/5/2023 UBND xã Đồng Tâm tổ chức lễ đón bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh chùa Hưng Khánh thôn Giâm Me, xã Đồng Tâm.

 
            Chùa Hưng Khánh là một ngôi chùa cổ có từ lâu đời, được tọa lạc trên mảnh đất đắc địa, tại thôn Giâm Me, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Chùa Hưng Khánh đã được UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng Di tích cấp tỉnh năm 2022 theo Quyết định số 3506/QĐ-UBND, ngày 21/12/2022. Đây thực sự là niềm vinh hạnh và tự hào của cán bộ và cộng đồng Nhân dân tại địa phương.

1. Tên gọi di tích

Chùa Hưng Khánh, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Các các tên gọi khác là:Chùa Giâm; hay là Hưng Khánh tự (chùa Hưng Khánh).

Theo triết tự chữ Hán, “Hưng” nghĩa là hưng thịnh, “Khánh” nghĩa là chúc mừng. Tên gọi Hưng Khánh tự gắn với mong ước của người xưa về một ngôi chùa thờ Phật hưng thịnh, luôn mang lại niềm vui, sự tốt đẹp cho mọi người. Ngoài ra, chùa còn được gọi là chùa Giâm theo tên gọi nôm của thôn.

2. Địa điểm ti tích

Chùa Hưng Khánh tọa lạc ở phía Đông Nam của thôn Giâm Me, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Tên làng Giâm Me có nguồn gốc như sau: Vào năm Chính Hòa thứ 16 (1695), làng Giâm có tên chữ là làng Văn Xá, xã Bất Bế, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Năm Bảo Thái thứ 7 (1726), làng Me có tên chữ là làng My Xuyên, xã Bất Bế, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Sang thời Nguyễn, hai làng Văn Xá và My Xuyên thuộc tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang'.

Tháng 11/1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời ra Sắc lệnh về việc bỏ đơn vị hành chính cấp xã (làng), tổng và cấp phủ của chế độ thực dân phong kiến để thành lập xã, huyện mới. Thực hiện Sắc lệnh này, tháng 2/1946, các xã: Bất Bế (gồm các làng: Vũ Xá - nay là thôn Vé, Văn Xá và My Xuyên - nay là thôn Giâm Me); Vĩnh Xuyên; Tranh Xuyên (nay Trọng Thư); xóm Hới (nay là xóm Đoàn Kết thuộc thị trấn Ninh Giang) thuộc tổng Bất Bế hợp nhất thành xã Đồng Tâm; làng Hòa Ung (tổng Bất Bế) sáp nhập với làng Ngọc Lôi (tổng Bất Bế), thành xã Ngọc Hòa. Tháng 4/1948, theo chủ trương của cấp trên, xã Ngọc Hòa và xã Đồng Tâm hợp nhất thành xã Đồng Tâm”. Đến cải cách ruộng đất (1956), xã Đồng Tâm tách thành 3 đơn vị hành chính: Thị trấn Ninh Giang và xóm Hới (Đoàn Kết) thuộc thị trấn Ninh Giang; thôn Vĩnh Xuyên và thôn Ngọc Hòa lấy tên là xã Vĩnh Hòa; thôn Tranh Xuyên, Giâm, Me, Vé sáp nhập lấy tên là xã Đồng Tâm. Năm 1980, hai thôn Giâm, Me sáp nhập lấy tên là thôn Giâm Me thuộc xã Đồng Tâm cho đến ngày nay (xã Đồng Tâm gồm: thôn Vé, Tranh Xuyên và Giâm Me).

Xã Đồng Tâm có vị trí tiếp giáp như sau:

- Phía đông giáp xã Hà Kỳ (huyện Tứ Kỳ);

- Phía tây giáp xã Hiệp Lực, Hồng Dụ

- Phía nam giáp thị trấn Ninh Giang;

- Phía bắc giáp xã Vĩnh Hòa và Tân Hương.

Xã Đồng Tâm nằm ở phía đông nam huyện Ninh Giang. Xã có diện tích tự nhiên 506,08 hà; 1.970 hộ; 6.699 nhân khẩu. Riêng thôn Giảm Me có diện tích đất thổ cư là 1,08 ha; 395 hộ; 1267 nhân khẩu (tính đến tháng 6 năm 2022). Toàn xã có 22 dòng họ đến sinh cơ lập nghiệp từ lâu đời. Nhân dân trong xã chủ yếu theo đạo Phật.

3. Sự kiện, nhân vật lịch sử , đặc điểm của di tích

a) Nhân vật được thờ

Chùa Hưng Khánh thờ Phật theo thiền phái Đại Thừa, đây là thiền phái phổ biến tại các ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam. Phái Đại thừa nghĩa là “con đường cứu vớt lớn”, “cỗ xe lớn” được gọi là tôn giáo cải cách. Phái này cho rằng không chỉ những người xuất gia tu hành mà cả những phật tử cũng được cứu vớt. Phái Đại thừa không chỉ thừa nhận Thích Ca là Phật mà còn thừa nhận nhiều Phật khác như Phật Adiđà ....Ai cũng có thể trở thành Phật và thực tế đã có nhiều người thành Phật như Văn Thù Bồ Tát, Quan Âm Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát...

Từ khi khởi dựng đến nay chùa có sư Nguyễn Thị Hợi quê ở xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc trụ trì. Nhà sư viên tịch ngày 21-6-1976. Hiện nay, phần mộ nhà sư được an táng tại quê Hoàng Diệu (huyện Gia Lộc).

Ngoài thờ Phật, chùa còn có Ban thờ Tam phủ tức ba vị thánh trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam gồm: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải, cai quản những lĩnh vực quan trọng nhất của một xã hội nông nghiệp.

Thượng Thiên Thánh Mẫu là vị thần cai quản cõi trời, đại diện cho nguồn sinh lực vô biên, cốt lõi của sự sống và mọi nguồn hạnh phúc. Qua ngài, người ta mong mọi việc của bầu trời được diễn ra theo quy luật hiền hòa...

Thượng Ngàn Thánh Mẫu là mẹ thế gian gắn với người Việt từ thời nguyên thủy. Trước đây, bà không chỉ có mặt ở rừng núi mà còn có mặt ở khắp mọi miền theo cơ cấu của làng xóm cổ truyền. Rừng là nơi chứa đựng những của cải tiềm ẩn, nuôi sống con người khi giáp hạt mất mùa; nơi để kiếm chất đốt và nam nữ tình tự; đặc biệt là nơi chôn người chết. Vì thế trong tư duy của người Việt, bà mẹ rừng tối linh tối thiện đã nâng đỡ các kiếp đời người đã qua, để những người có tâm lành tái sinh được thành Cô và Cậu (trong hệ thống điện thờ mẫu thì phần lớn các Cô, Cậu được đặt ở ban thờ này.

Mẫu Thoải (Thủy) hay Thủy cung Thánh Mẫu là vị thần sáng tạo ra mọi miền của nước, biển, sông, suối, đầm, hồ. Ngài được người nông dân Việt hết sức kính trọng, hệ thống thờ ngài và các thần linh liên quan có mặt hầu như ở khắp mọi nơi, như một sự đảm bảo cho nguồn nước nông nghiệp luôn được đầy đủ.

b) Về sự kiện lịch sử

Chùa là nơi lực lượng du kích xã họp bàn, che giấu cán bộ cách mạng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Từ khi hòa bình đến nay, chùa là nơi sinh hoạt tôn giáo của nhân dân địa phương.

c) Đặc điểm của di tích

Chùa Hưng Khánh tọa lạc trên một khu đất cao ráo, bằng phẳng, thoáng đạt, mặt tiền quay hướng đông. Khuôn viên di tích có tường bao bảo vệ, phía bắc và phía tây giáp khu dân cư, phía đông là đường liên thôn, phía nam giáp ruộng canh tác. Công trình kiến trúc tuy nhỏ nhưng vẫn mang nét cổ kính của kiến trúc cổ truyền.

4. Về sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng liên quan đến di tích

a) Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945:

Hàng năm, chùa Hưng Khánh thường diễn ra các sự lệ theo tuần tiết của nhà Phật như sau:

Ngày 15 tháng Giêng (âm lịch): Đây là ngày rằm tháng Giêng, người dân sắm lễ chay lên chùa cúng sao giải hạn, cầu an, mong cho gia đình những điều lành, ấm no hạnh phúc.

Ngày 03 tháng 3 (âm lịch): Lễ giỗ Mẫu: Tưởng nhớ công đức của các Thánh Mẫu. Trước ngày giỗ Mẫu, dân làng cử người sắm sửa lễ vật để cúng lễ. Các già làng ra chùa tụng kinh niệm phật theo kinh A Di Đà rồi tổ chức cúng lễ.
Ngày 8/4 (âm lịch): Lễ Phật đản, kỷ niệm ngày sinh của đức Thích Ca Mâu Ni* cũng là một ngày lễ quan trọng đối với những người theo đạo Phật. Đây là ngày để mọi người cùng nhau tưởng nhớ và thể hiện lòng thành kính của mình đối với Đức Phật và các bậc giáo chủ. Trong ngày này, những người theo đạo Phật thường làm những việc như không sát sinh, ăn chay; phóng sinh những loại như ốc, chim bồ câu, lươn, chạch...

Ngày 15 tháng 7 (âm lịch): Lễ Vu lan báo hiếu hay còn gọi là ngày "Xá tội vong nhân" theo cách gọi dân gian là "cúng cô hồn, "cúng thí thực" (tặng thức ăn). Vào ngày này, nhân dân và các tín đồ Phật tử thường làm cơm để cúng những vong linh bơ vơ không gia đình. Mọi lễ vật và nghi thức cúng do các già thực hiện. Trong khi làm lễ, các phật tử cùng nhau tụng kinh niệm Phật với nội dung như sự sám hối, ghi ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ và cầu cho hồn của những vong linh không nơi lương tựa được siêu thoát.

Ngày 20 tháng 8: Ngày giỗ vọng Đức Thánh Trần. Lễ này do người nhà sư trụ trì thực hiện.

Ngày 15 tháng chạp: Lễ tất niên do nhà sự trụ trì thực hiện.

Ngoài ra, các ngày tuần, rằm hàng tháng Ban Hộ tự đều mở cửa chùa cho nhân dân địa phương và khách thập phương vào lễ Phật.

b) Lễ hội ngày nay:

Chùa Hưng Khánh về cơ bản vẫn duy trì các sự lệ theo tuần tiết của nhà Phật như trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 như: Ngày 3 tháng 3 lễ giỗ Mẫu; ngày mồng 8 tháng 4 lễ Phật Đản; Ngày 15 tháng 7 lễ Vu Lan; ngày 20 tháng 8 lễ giỗ vọng Đức thánh Trần. Ngoài ra, còn có thêm ngày 21 tháng 6 (âm lịch) giỗ sư Nguyễn Thị Hợi, vị sư từng trụ trì ở chùa đã viên tịch.

5. Khảo tả về di tích

Theo tương truyền, chùa Hưng Khánh được khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng (TK XVII) (cách chùa hiện nay khoảng 30m về phía nam). Trải qua thời gian, chùa bị hư hại. Theo tấm bia Hậu thần Phật ký (Bia ghi việc hậu Phật) năm Minh Mệnh thứ 20 (1839), nhân dân trùng tu lại ngôi chùa trên nền đất cũ theo kiểu chữ “Đinh” (J), gồm 3 gian tiền đường và 1 gian thượng điện, chất liệu bằng gỗ tứ thiết, xây bít đốc bổ trụ.

Năm Duy Tân thứ 7 (1913), nhân dân địa phương phát tâm công đức trùng tu lại tòa tiền đường.

Năm 1949, chùa được chuyển về vị trí hiện nay gồm 3 gian tiền đường, 1 gian thượng điện, có 2 cổng, 1 cổng chính phía tây nam và 1 cổng phụ ở phía tây. Phía sau chùa có sân lát gạch đỏ và 5 gian nhà tổ.

Năm 2012 ngôi Tam Bảo xuống cấp, được sự nhất trí của các cấp, Đại Đức Thích Tuệ Nhật cùng cán bộ và nhân dân trong thôn trùng tu lại tòa tiền đường nhưng vẫn giữa được kết cấu và kiến trúc của công trình xưa, đồng thời xây dựng thêm gian nhà sắp lễ phía bên trái gian tiền đường.

Năm 2016, nhân dân địa phương công đức xây giếng chùa, tường bao bảo vệ phía sau di tích.

Hiện nay, chùa có kiến trúc kiểu chữ “Đinh” (J) gồm 3 gian tiền đường và 1 gian thượng điện, mặt tiền quay hướng đông nam. Hệ thống cột, vì kèo bằng gỗ tử thiết, mỏng, tường xây bằng gạch chỉ.

Tòa tiền đường 3 gian, dài 7,05m, rộng 5,42m xây bít đốc bổ trụ, mái lợp ngói mũi, hai hồi trước và sau có trụ đèn vuông. Bờ nóc đắp nổi hoa văn chữ triện nối tiếp nhau, ở giữa khắc 3 chữ Hán “Hưng Khánh tự”- Chùa Hưng Khánh. Hai đầu hồi có hai “kìm” nóc, đuôi cuộn tròn vắt trên hồi đấu. Bờ cánh được xây nhô cao 3 trụ đấu. Hệ thống cửa bằng gỗ lim.

Tòa thượng điện gồm 1 gian có chiều dài 4,47m, rộng 2,54m, chất liệu khung vì bằng gỗ tứ thiết, các vì kèo chính kiểu “kẻ chuyền chồng chóp” không chạm họa tiết hoa văn, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi.

* Bài trí thờ tự chùa Hưng Khánh như sau:

Do thời gian, chiến tranh và sự biến động của lịch sử, chùa Hưng Khánh hiện nay là nơi tập trung tượng Phật của 3 ngôi chùa; chùa Hưng Khánh (chùa Giâm), chùa Thanh Long (chùa Me) và chùa Trong (đã bị phá dỡ) trên nền đất di tích hiện nay, nên hệ thống tượng có nhiều pho giống nhau điển hình là tượng Thập Điện. Đặc biệt, tất cả các pho tượng đều là tượng cổ, có niên đại thời Nguyễn (TK XIX).

6. Giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, thẩm mỹ thuộc di tích

* Giá trị lịch sử, văn hóa:

Chùa Hưng Khánh thờ Phật theo thiền phái Đại Thừa, một tôn giáo được hầu hết nhân dân Việt Nam tôn thờ. Di tích không những là nơi sinh hoạt tôn giáo của nhân dân địa phương mà còn là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ lòng hướng thiện, tình yêu quê hương đất nước. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, di tích là địa điểm an toàn để lực lượng du kích xã họp bàn, che giấu cán bộ cách mạng dưới sự truy lùng của giặc. Vì vậy, di tích có giá trị lịch sử, văn hóa rất lớn với nhân dân địa phương.

* Giá trị khoa học, thẩm mỹ

Chùa Hưng Khánh được xây dựng từ khá sớm - tương truyền vào thời Lê Trung Hưng (TK XVII). Tuy trải qua biến động của lịch sử và qua một số lần trùng tu vào thời Nguyễn nhưng di tích cơ bản vẫn giữ được kiểu dáng kiến trúc ban đầu khá nguyên vẹn, hệ thống cột, vì kèo bằng gỗ tứ thiết, mái lợp ngói mũi... Vì vậy, di tích giúp chúng ta hiểu thêm về kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Hệ thống tượng Phật tại chùa phong phú có niên đại thời Nguyễn (TK19). Các pho tượng chủ yếu có chất liệu bằng gỗ. Ngoài hệ thống tượng Phật, chúa còn có một số di vật, cổ vật như bia ký, câu đối, đại tự, cửa võng, bát hương, chuông đồng. Đó là những di sản văn hóa vật thể quý giá cần được bảo tồn cho thế hệ sau.

7. Thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di tích

Mặt bằng tổng thể hiện tại của di tích: Chùa Hưng Khánh tọa lạc trên khuôn viên khá hẹp 864m2, gồm các hạng mục công trìnhnhư:Cổng, tường bảo vệ;Chùa;Giếng;Nhà sắp lễ. Hiên tại bố trí xây dựng các hạng mục công trình chưa cân đối, nội tự chùa nhỏ, sân hẹp, vườn sau lại khá rộng.

Chùa còn giữ được kiến trúc gỗ thời Nguyễn nhưng hiện đang bị xuống cấp, cụ thể một số cột, hoành, rui có hiện tượng mối, mọt, mái dột...

Những năm gần đây, nhân dân địa phương và quý khách thập phương đã công đức, xây dựng, tu bổ các hạng mục công trình như trung tu tiền đường, xây nhà sắp lễ, xây thành giếng, tường bao, công trình phụ, Tuy nhiên nhiều hạng mục công trình của chùa chưa phục dựng lại như: Nhà Tổ, nhà Mẫu và các công trình phụ trợ khác.

Hệ thống tượng thờ tại chùa phong phú là những cổ vật có giá trị rất lớn để bảo tồn cho thế hệ sau.Ngoài hệ thống tượng Phật, chùa còn có các cổ vật có giá trị Song tường bao phía trước di tích hơi thấp, cánh cửa cũ không đảm bảo cho việc bảo quản cổ vật.

Hiện nay di tích có ban hộ tự gồm 6 người là những người cao tuổi được thôn bầu ra trông coi bảo vệ di tích, kêu gọi công đức, tu bổ tôn tạo di tích ngày càng khang trang.

Do lực lượng ban hộ tự còn mỏng, chủ yếu là người cao tuổi trong thôn nên việc phát huy giá trị di tích như giáo dục tuyên truyền về di tích, kêu gọi công đức... còn hạn chế.

8. Phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích

Sau khi chùa được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh. UBND xã thành lập Ban quản lý di tích cấp xã do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, xây dựng quy chế họat động và phân công nhiệm vụ các thành viên. Xây dựng nội quy trông coi di tích. Lấy ý kiến nhân dân và hội đồng nhân dân trong xã để trích một phần kinh phí chi trả, hỗ trợ người trông coi di tích; xây dựng kế hoạch tổ chức lễ tiết trong năm; kêu gọi các tổ chức, cá nhân phát tâm công đức tu bổ, tôn tạo khi di tích và các hạng mục bị xuống cấp; đề ra các phương hướng giữ gìn phát huy giá trị di tích trong tương lai.

Ngày 06 tháng 10 năm 2022, chính quyền địa phương phối hợp cùng Sở VHTT&Du lịch; Sở Tài nguyên và Môi trường; Bảo tàng Hải Dương cùng các phòng ban chuyên môn của huyện đã tổ chức hội nghị khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích chùa Hưng Khánh cụ thể như sau:

- Khu vực bảo vệ I (Vùng đỏ): diện tích 864 m2.

- Khu vực bảo vệ II (Vùng xanh): diện tích 1.553 m2.

(Có bản đồ khoanh vùng và mặt bằng định hướng tổng thể di tích kèm theo)

Cần phục dựng lại một số hạng mục công trình như: Nhà Tổ, nhà Mẫu và các công trình phụ trợ khác, lát lại sân, nâng cấp cổng, tường bao trước cửa di tích để di tích được bảo vệ tốt hơn, tránh việc mất cắp cổ vật. Các pho tượng cổ phải được bảo vệ nguyên hiện trạng, tránh các hình thức sơn thếp mới.

Lập dự án tu bổ, tôn tạo di tích, tọa không gian thoáng, rộng cho nhân dân địa phương đến sinh hoạt tôn giáo vào ngày lễ tiết.

Ngăn chặn và xử lý kịp thời mọi hành vi xâm hại di tích.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền , giới thiệu Luật di sản văn hóa và các văn bản của nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di tích để cộng đồng thể hiện trách nhiệm và vai trò của mình trong việc gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di tích một cách hiệu quả.

Làm tốt công tác vệ sinh môi trường, giữ gìn an ninh trật tự và đồ thờ tự tại di tích; tránh sự xâm hại của thời gian và côn trùng gây ra. Tuân thủ các quy trình, quy định của Nhà nước đối với việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị tại di tích.

Một số hình ảnh của buổi lễ
 
 
 
 
 
 
 
TH Tuyết Nhung

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ ĐỒNG TÂM - HUYỆN NINH GIANG

Trưởng Ban Biên tập: Đinh Văn Châu - Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: Ủy ban nhân dân xã Đồng Tâm

Điện thoại: 02203502312

Email: vpubnddongtam@gmail.com

 
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 1
Hôm nay: 3
Tất cả: 73,558